Động lực cho du lịch phát triển
Tiềm năng du lịch Phú Yên
Luật Du lịch (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018:
Động lực cho du lịch phát triển (24/12/2017)
Luật Du lịch sửa đổi 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo các chuyên gia và cộng đồng làm du lịch, luật sửa đổi có nhiều nội dung mới mang tính đột phá giúp công tác quản lý hiệu quả, đồng thời đáp ứng sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong tình hình mới.

Luật Du lịch sửa đổi được kỳ vọng là động lực để thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tình hình hiện nay. Trong ảnh: Du khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm tại Phú Yên

 

 Theo giới chuyên gia, việc Quốc hội bấm nút thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) là rất quan trọng, bước ngoặt mới, động lực mới để du lịch Việt Nam phát triển.

 “Cái bấm nút” trị giá 35 tỉ USD!

Nhiều người ví von, cái bấm nút này trị giá 35 tỉ USD, giá trị mà ngành Du lịch mạng lại cho nền kinh tế đất nước vào năm 2020. Luật sửa đổi cũng là một cách cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Luật Du lịch sửa đổi lần này có ý nghĩa to lớn trong việc tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển du lịch. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, điểm nổi bật, xuyên suốt trong Luật Du lịch sửa đổi là lấy khách du lịch làm trung tâm. Nhiều điều khoản được quy định trong luật đều xoay quanh trục đảm bảo lợi ích của khách du lịch. Bà Hương dẫn chứng, ví dụ trong việc quản lý các khu, điểm du lịch, Luật Du lịch 2017 yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý phải có biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho khách du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; đảm bảo quyền và lợi ích của khách một cách tối đa.

Luật Du lịch sửa đổi cũng đã giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể trong kinh doanh lữ hành quốc tế, trước đây, một trong những điều kiện cấp phép kinh doanh là doanh nghiệp phải ký hợp đồng với ít nhất 3 hướng dẫn viên. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này mang tính hình thức, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khắc phục bất cập này, luật đã bỏ điều kiện này, đảm bảo tôn trọng quyền tự quyết định trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hay trong lĩnh vực đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Luật Du lịch sửa đổi không quy định bắt buộc mà theo nguyên tắc tự nguyện, tùy doanh nghiệp. Việc đăng ký xếp hạng xuất phát từ nhu cầu khẳng định thương hiệu, chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch.

Về chính sách phát triển du lịch, các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ đã được thể chế hóa một phần vào luật. Điều 5 Luật Du lịch sửa đổi quy định: Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Luật sửa đổi cũng quy định rõ việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tại mục 2, chương VII nêu rõ: mục đích, nguyên tắc hoạt động và nguồn thu của quỹ. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Nguồn thu của quỹ gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp ban đầu và được bổ sung hàng năm, trích từ nguồn thu phí tham quan, phí thị thực và các nguồn đóng góp tự nguyện khác theo quy định của pháp luật.

Hay việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực du lịch cũng được luật hóa. Theo đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch.

Với những thay đổi phù hợp với thực tế, đồng thời luật hóa những điều kiện thiết yếu về cơ chế chính sách, Luật Du lịch sửa đổi được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ là động lực để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Những việc cần làm ngay

Liên quan đến chủ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lực lượng hướng dẫn viên là nội dung mà Tổng cục Du lịch xác định phải triển khai thực hiện sớm, bởi nội dung này luật sửa đổi có điều chỉnh thay đổi căn bản.

Luật Du lịch 2005 không quy định việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Điều này đã nảy sinh nhiều bất cập. Để khắc phục hạn chế này, Luật Du lịch sửa đổi quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Về hướng dẫn viên du lịch, Luật Du lịch 2017 quy định chi tiết điều kiện hành nghề theo hướng chặt chẽ hơn để ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch để kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: Mới đây Tổng cục Du lịch đã có công văn về nội dung này. Trên cơ sở này, Sở VH-TT-DL có công văn gửi các lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên về một số quy định mới liên quan sát với quyền lợi và trách nhiệm của đối tượng điều chỉnh này. Theo đó, điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo luật sửa đổi được ràng buộc chặt chẽ hơn.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế đều phải được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch theo luật sửa đổi, người làm nghề hướng dẫn phải đảm bảo các điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Ông Võ Thiện Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sáng Tạo Việt (TP Tuy Hòa) cho rằng: “Với việc điều chỉnh bổ sung nhiều điều khoản hoạch định chính sách phát triển du lịch theo hướng lấy khách du lịch làm trung tâm; quy định rõ ràng về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; rút gọn những thủ tục rườm rà; tự nguyện đăng ký hạng sao… là rất thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp. Việc áp dụng Luật Du lịch sửa đổi được các doanh nghiệp kỳ vọng, tạo động lực cho Du lịch Việt Nam phát triển”.

(Theo PYO)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: