Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích
Lịch sử văn hóa
Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích (01/06/2020)
Trong những năm qua, hệ thống di tích được ngành Văn hóa, tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư, tu bổ kịp thời đã trở thành sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, mang lại hiệu quả thiết thực.

Khai quật di tích Đồng Miễu ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa hồi tháng 7 năm 2019. Ảnh: THIÊN LÝ 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh). Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng.

Rà soát, bổ sung, tôn tạo

Theo Sở VH-TT-DL, hiện toàn tỉnh có 201 công trình, địa điểm đã được rà soát, bổ sung đưa vào Danh mục kiểm kê di tích và UBND tỉnh ra quyết định công bố lại lần 2 (so với 144 công trình, địa điểm được công bố năm 2013). Đây là cơ sở để từng bước lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích và cũng là cơ sở để các địa phương tiến hành công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Bộ VH-TT-DL, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo một số di tích và đang phát huy giá trị, trở thành điểm đến tham quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng. Trong đó, 2 di tích danh thắng: Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn được đưa vào thu phí tham quan từ năm 2016, tạo nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước và tái đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích.

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL, cho biết: Năm 2019, Sở VH-TT-DL đã bàn giao, đưa vào sử dụng dự án Công viên văn hóa Núi Nhạn; bàn giao Ban quản lý Dự án đầu tư tỉnh và UBND TX Sông Cầu tiếp tục lập hoàn thiện 3 dự án (Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Công viên và Tượng đài Danh nhân Lương Văn Chánh; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền thờ Đào Trí) để thi công trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL cũng đã lập báo cáo kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án Sửa chữa, cải tạo Nhà Văn hóa Diên Hồng; lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại di tích danh thắng quốc gia Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn và Gành Đá Đĩa.

Đặc biệt, Sở VH-TT-DL đã hoàn thành việc điều chỉnh bản đồ và biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ 18 di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh (trong đó đã thống nhất thỏa thuận 11 di tích); hoàn thành đề cương bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích thắng cảnh Đầm Ô Loan, kịch bản trưng bày và giải pháp mỹ thuật trưng bày Bảo tàng tỉnh (giai đoạn 2) và việc lập điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán phần trưng bày Bảo tàng tỉnh.

Ngoài ra, Sở VH-TT-DL còn thi công hoàn thành các dự án Tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Lẫm Phú Lâm, Thành An Thổ và Vũng Rô (theo Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2019); khai quật di tích Đồng Miễu (huyện Phú Hòa); tiếp tục triển khai một số hạng mục, hạ tầng thiết yếu tại thắng cảnh Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, Đài tưởng niệm Núi Nhạn và đưa xe điện vận hành phục vụ du khách.

Chống xuống cấp

Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều di tích chưa được đầu tư tôn tạo, do nhu cầu vốn lớn. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ VH-TT-DL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 khoảng 175 tỉ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Trước mắt, kiến nghị Bộ VH-TT-DL quan tâm bổ sung nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa trong các năm đến khoảng 10 tỉ đồng (khoảng 3-5 tỉ đồng/năm) để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp cho di tích quốc gia. 

“Sở VH-TT-DL sẽ trình Thủ tướng xếp hạng di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa; tiếp tục lập thủ tục chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo 2 di tích thắng cảnh: Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn và Gành Đá Đĩa; tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện việc cắm mốc giới các di tích quốc gia đã được Bộ VH-TT-DL thống nhất thỏa thuận và tổ chức bàn giao hồ sơ, mốc giới cho đơn vị và địa phương trực tiếp quản lý di tích. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Sửa chữa, cải tạo Nhà Văn hóa Diên Hồng và Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; lập thủ tục thực hiện đầu tư 2 dự án Trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Bảo tàng tỉnh (giai đoạn 2)”, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy cho biết.  

Ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài và khai thác, phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa...

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy

Nguồn: Thiên Lý-Báo Phú Yên

 

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: