Một góc địa đạo Gò Thì Thùng - Ảnh: PYO
Ngày đó trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Chỉ huy quân sự Khu V quyết định đào địa đạo tại gò Thì Thùng. Công trình khởi công vào ngày 10/5/1964. Huyện đội và Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy cho các xã An Xuân, An Định, An Nghiệp đào địa đạo. Đến 8/1965, địa đạo gò Thì Thùng đã hoàn thành. Sau khi hoàn thành, tổng chiều dài địa đạo là 1.948m xuyên qua Gò Thì Thùng, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là một hệ thống dây thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Khi có địch, ta xuất hiện để đánh, đánh xong thì rút xuống, địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn.
Khi thất bại nặng trên chiến trường, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tại cao nguyên An Xuân đã diễn ra nhiều trận càn ác liệt, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công vang dội góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam.
Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Thế nhưng hiện nay, những khoảng đất của chiến trường xưa đã xanh dần, các dãy nhà mới mọc lên, cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện.
Ngày nay, đến gò Thì Thùng ít có ai biết rằng cách đây hơn 40 năm, nơi đây đã từng là chiến trường ác liệt, đã từng diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa quân ta với kẻ thù và cũng ít có ai biết rằng dưới lòng đất sâu kia đã từng có một hệ thống địa đạo do nhân dân xã An Xuân và các vùng lân cận đào… Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta.
Để bảo tồn di tích, Sở VH-TT-DL và UBND huyện Tuy An đã có kế hoạch trùng tu và đưa di tích này vào khai thác. Tổng kinh phí đầu tư công trình gần 1 tỉ đồng gồm 2 nhà che cửa hầm địa đạo, 3 nhà che giếng, lối đi xung quanh di tích, khôi phục 95 đoạn hào địa đạo và lắp đặt 10 bia hướng dẫn trong khu vực. Theo Sở VH-TT-DL, đơn vị cũng đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Bộ VH-TT-DL đầu tư kinh phí để thực hiện thi công công trình tôn tạo Di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng giai đoạn 2 bao gồm các hạng mục nhà quản lý và trưng bày, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước sinh hoạt vào năm 2014. Công trình hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách đến tham quan.
Giờ đây, đường về địa đạo Gò Thì Thùng đã được rải nhựa thông thoáng. Và nói đến An Xuân, số đông người sẽ nhớ ngay đến một hệ thống hầm địa đạo tầm cỡ quốc gia, nhớ đến ngày hội đua ngựa truyền thống trên gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm, một ngày hội đua ngựa duy nhất có ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu nhiều dịch vụ sang trọng, tuy nhiên đến An Xuân, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác mát lành của khí hậu vùng cao, được tận mắt thấy di tích lịch sử tầm cỡ ở chiến trường xưa, được thưởng thức nhiều món dân dã ngon như canh chua lá dít, các loại rau rừng…
Đâu đó trong tiềm thức, người An Xuân vẫn không nguôi kỳ vọng, ước mơ rằng di tích lịch sử trên quê hương mình sẽ được trùng tu nhiều hơn nữa để trở thành một địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan. Điều ước của họ hoàn toàn có cơ sở, bởi nơi đây hội tụ được 3 cái nhất mà không nơi nào có được: có di tích Địa đạo Gò Thì Thùng, có hội đua ngựa truyền thống, có một con đường rộng lớn dài khoảng 10km thông suốt nối dài từ An Xuân đến Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định, Sơn Hòa. 3 cái nhất này chắc chắn sẽ hợp thành một tuor tham quan về vùng sơn cước “chiến khu xưa” hấp dẫn trong tương lai gần của tỉnh Phú Yên.
(Nguồn: PYO)