Bản tin ngành
Hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
Để thực hiện việc rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, Sở Tài chính đã tổ chức cuộc họp ngày 14/5/2025, Thành phần gồm đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nay Sở Tài chính tiếp tục triển khai đến các cơ quan, tổ chức các nhiệm vụ về việc rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như sau:

A. Đối với tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô và tài sản khác:

1. Nguyên tắc chung:

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, phân loại, lập danh sách tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo các nhóm: (1) Tài sản của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả tài sản đang sử dụng để cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác), (2) Tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê, (3) Tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác,…);

Trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm: (i) Xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê (ghi nhận vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thừa; ghi giảm tài sản trên sổ kế toán và không tổng hợp vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thiếu); (ii) Trả lại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác đối với tài sản giữ hộ, mượn; (iii) Chấm dứt việc thuê tài sản (nếu được thống nhất của bên cho thuê và việc chấm dứt thuê không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị); (iv) Bảo vệ, bảo quản tài sản của cơ quan, đơn vị tránh để mất, thất thoát tài sản; (v) Báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

b) Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

c) Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài; không phải thực hiện quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ khi thực hiện bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính. Ưu tiên điều hòa, bố trí hợp lý tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương, trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng của tài sản thì thực hiện chuyển đổi công năng để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

d) Việc tổ chức thực hiện xử lý cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Định hướng xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công

2.1. Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

a) Ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều 4a Nghị định 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP).

b) Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn định mức, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 01 cơ sở nhà, đất để đảm bảo tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn tỉnh. Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương, (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...); thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;...), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật,...

2.2. Đối với xe ô tô:

a) Đối với xe ô tô chuyên dùng: để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

b) Đối với xe ô tô phục vụ chung:

- Đối với xe ô tô đang quản lý, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh: Trước mắt, các cơ quan, đơn vị được giao tiếp tục quản lý, sử dụng xe ô tô thuộc thẩm quyền được giao quản lý. Việc thực hiện sắp xếp đối với xe ô tô sẽ căn cứ vào quy định của Chính phủ (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2023/NĐ-CP). Sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, căn cứ tiêu chuẩn, định mức để thực hiện sắp xếp, xử lý.

- Đối với xe ô tô đang quản lý, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện: Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý) thì mỗi xã được trang bị tối đa 02 xe. Do đó, khi kết thúc hoạt động cấp huyện thì UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng Đề án sắp xếp tài sản (bao gồm xe ô tô), trong đó đồng thời đề xuất phương án điều chuyển, giao xe ô tô cho xã thuộc địa phương tiếp tục quản lý, sử dụng.

2.3. Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác

a) Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ có sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

b) Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc thiết bị dùng chung và các tài sản khác thì ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyển đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị; hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.

c) Đối với các đơn vị cấp tỉnh phải di chuyển đến đơn vị mới (tại trung tâm hành chính mới của tỉnh): Các đơn vị rà soát danh mục tài sản đang quản lý, tổ chức đánh giá lại. Đối với các tài sản đủ điều kiện thanh lý thì xem xét để tổ chức thực hiện thanh lý; đối với tài sản còn sử dụng được nhưng không thực hiện di chuyển đến đơn vị mới (do khoảng cách xa, không đảm bảo điều kiện di dời) thì để xuất chuyển cho đơn vị khác (có trụ sở tại Phú Yên) để tiếp tục sử dụng.

d) Trường hợp còn dôi dư thì thực hiện điều hòa giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong huyện, trong tỉnh hoặc xử lý theo quy định.

đ) Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện phương án xử lý đối với máy móc, thiết bị và tài sản khác thuộc phạm vi quản lý, gửi về Sở Tài chính để theo dõi.

3. Trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

a) UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo UBND tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Trường hợp có phương án chuyển đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác để sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thì UBND cấp huyện tiếp nhận đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã đó.

b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để báo cáo UBND tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

B. Đối với tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước:

1. Nguyên tắc chung:

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, lập danh sách tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang quản lý/tạm quản lý.

b) Trên cơ sở đó, căn cứ Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện bàn giao các tài sản tại điểm a mục này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tài sản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn này. Việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện lập thành Biên bản gồm các nội dung chính: Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận; Danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận; Các hồ sơ liên quan đến tài sản; Trách nhiệm của các bên liên quan.

c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận tài sản, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật; bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không làm thất thoát, lãng phí tài sản.

2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp xã quản lý:

Đơn vị hành chính cấp xã (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản kết cấu hạ tầng do đơn vị hành chính cấp xã (cũ) đang quản lý, sử dụng.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các đơn vị hành chính cấp xã (mới) thì đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng của đơn vị hành chính cấp xã (cũ) nằm trên địa bàn theo đơn vị hành chính cấp xã (mới).

Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).

b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp huyện quản lý:

- Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, chợ: Đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng nằm trên địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp xã (mới). Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).

- Đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác: Trên cơ sở danh mục tài sản kết cấu hạ tầng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình đang quản lý/tạm quản lý, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).

c) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp tỉnh quản lý: Đơn vị hành chính cấp tỉnh (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản kết cấu hạ tầng do đơn vị hành chính cấp tỉnh (cũ) đang quản lý, sử dụng.

3. Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

a) Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp xã đang quản lý mà đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa hoàn thành việc xử lý: Đơn vị hành chính cấp xã (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý các tài sản do đơn vị hành chính cấp xã (cũ) đang quản lý. Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các đơn vị hành chính cấp xã (mới) thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cụ thể đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản.

b) Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện đang quản lý mà đến thời điểm bỏ đơn vị hành chính cấp huyện chưa hoàn thành việc xử lý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới) tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định.

c) Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh đang quản lý mà đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa hoàn thành việc xử lý: Đơn vị hành chính cấp tỉnh (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, xử lý đối với các tài sản do đơn vị hành chính cấp tỉnh (cũ) đang quản lý.

4. Đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước:

a) Đối với tài sản phục vụ hoạt động của dự án: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, Công văn số 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 của Bộ Tài chính.

b) Đối với tài sản là kết quả của dự án đã hoàn thành: Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư dự án (trong trường hợp không có Ban Quản lý dự án hoặc Ban Quản lý dự án đã giải thể) thực hiện rà soát để:

- Hoàn thành việc bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng theo quy định của pháp luật (đối với các dự án đã xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng); trong đó, lưu ý bàn giao đầy đủ thông tin về giá trị của tài sản để phục vụ việc quản lý, hạch toán của đối tượng thụ hưởng sau khi bàn giao.

- Báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xử lý tài sản theo quy định của pháp luật (đối với các dự án chưa xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng); trường hợp đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính mà chưa hoàn thành việc xử lý thì thực hiện theo nguyên tắc tại các điểm a, b và c mục 3 Phần B Công văn này.

c) Đối với các dự án dở dang: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 4738/BTC-TH ngày 14/4/2025.

5. Đối với việc quản lý tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện làm chủ tài khoản để quản lý các khoản thu liên quan đến quản lý, xử lý, khai thác tài sản công: 

Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện thực hiện chuyển vào tài khoản tạm giữ do Sở Tài chính làm chủ tài khoản và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có khoản thu biết để thực hiện thủ tục thanh toán chi phí với Sở Tài chính. Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện quản lý số tiền trên tài khoản tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Các nội dung khác, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu nội dung của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Các Nghị định của Chính phủ: số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024, số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025, số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025; Công văn số 195-CV/ĐUBTC-QLCS ngày 23/4/2025 của Đảng ủy Bộ Tài chính; các Công văn của Bộ Tài chính: số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, số 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025, số 6606/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 và các văn bản hướng dẫn khác (nếu có) để triển khai thực hiện.

Chi tiết xem Công văn số 1350/STC-GCS, tại đây./.

DỰ ÁN, MUA SẮM, ĐẤU THẦU

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: