Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn
Tin trong nước
Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn (14/08/2018)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn.

Theo đó, bệnh khảm lá virus hại sắn (mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam. Tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh, đến nay bệnh đã lan rộng, gây hại trên 90% diện tích trồng sắn ở Tây Ninh và đang lan ra các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Phước. Bệnh gây hại trên hầu hết các giống sắn nhưng hại nặng trên các giống sắn HLS 11, KM 419 trong khi nhiều hộ dân sử dụng nguồn giống trong vùng dịch, giống nhiễm bệnh để trồng nên càng có nguy cơ lây lan nhanh ra diện rộng, gây hại nghiêm trọng hơn.

Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có trồng sắn tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Theo đó, đối với các tỉnh đã phát hiện bệnh khảm lá sắn cần thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các cấp; nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn trong quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn mà Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành. Đồng thời, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HLS11, tích cực tổ chức phòng trừ bọ phấn là môi giới truyền bệnh; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.

Đối với các tỉnh chư phát hiện bệnh khảm lá sắn, cần tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; tăng cường kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch bệnh về địa phương. Tăng cường rà soát, thống kê diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá. Hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của bệnh và các biện pháp phòng chống cho người trồng sắn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ như Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cơ quan nghiên cứu phối hợp, khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý để hạn chế thiệt hại cho người nông dân.

(Nguồn:Chinhphu.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: