QUẢNG ĐỨC XƯA
Địa danh - Di tích - Thắng cảnh
QUẢNG ĐỨC XƯA (10/07/2018)
Địa điểm: Nằm ngay quốc lộ 1 thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò Gốm, đến nhà thờ Mằng Lăng đi gành Đá Đĩa.

Khi đến Quảng Đức Xưa, du khách sẽ cảm nhận được dòng chảy văn hóa của một vùng đất trù phú cách đây vài thế kỷ đang được chủ nhân lưu giữ một cách hiện hữu. Đó là Phường Lụa Ngân Sơn nổi tiếng một thời, bên này sông là làng gốm cổ Quảng Đức một thời vang bóng. 

Phường Lụa Ngân Sơn và làng gốm Quảng Đức nổi tiếng hai bên sông Cái đã được hình thành và nổi tiếng từ rất sớm. Sau bao biến thiên lịch sử và thời gian, Phường Lụa Ngân Sơn và làng gốm Quảng Đức vang bóng một thời giờ đã thành quá vãng. Tiếng thoi đưa của làng lụa bên kia sông, những lò gốm đỏ lửa bên này sông, cảnh giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền đã không còn. Làng xưa không còn, nhưng di sản của nó vẫn được những người làm văn hóa, thích sưu tầm cổ vật lưu giữ, đó là: gốm Quảng Đức, một dòng gốm được dánh giá là độc đáo trong các dòng gốm cổ của người Việt. Theo những ghi chép còn lại, làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Khi xưa, làng gốm thịnh vượng, lò gốm trong làng quanh năm đỏ lửa, trên bến dưới thuyền tấp nập. Những sản phẩm bình dân từ cái trã kho cá, cái lu, cái chát đến những sản phẩm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, thể hiện tinh túy chơi kiểng như bình, lọ, chum, chóe, nậm rượu, bình vôi, chậu cá… được làm từ làng gốm Quảng Đức phân phối khắp tỉnh, cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ, thậm chí theo người Pháp xuất dương.

Quảng Đức Xưa - nơi lưu giữ di sản văn hóa. “Hoài niệm về một làng quê trù phú; lưu giữ, bảo tồn di sản của cha ông là ý tưởng chủ đạo để mở cửa Quảng Đức Xưa với mục đích giới thiệu đến công chúng về một làng nghề nổi tiếng cùng những sản phẩm bình dị mà độc đáo của cha ông ngày xưa”, nhà báo Phạm Lê Quốc Cường - Lê Xuân Tựu (đang công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên), chủ nhân, một người con của Tuy An, của chính lụa Ngân Sơn và gốm Quảng Đức, nói vậy.

Quảng Đức Xưa đập ngay vào mắt là cổng gỗ nâu đen nhuốm màu thời gian. Bước vào trong là một không gian lãng mạn được bài trí một cách có chủ ý của chủ nhân. Một khoảng sân vườn rộng vừa phải, ở đó bày biện gần 100 cối đá xay bột, cối quết, hòn đá cà; bàn ghế ngồi được làm bằng thân cau ghép lại, bày biện đơn sơ, thoáng đãng dưới những gốc xoài, gốc mận. Bí mật nằm trong hai ngôi cổ cùng với những nếp gỗ nâu đen.

Ngôi nhà gỗ thứ nhất được bài trí với khung dệt cổ của người làng nghề lụa Ngân Sơn cùng những vật dụng đánh bắt cá ven sông như: nôm, lộng, chấn, đăng; những vật gia dụng: khuôn bánh thuẩn, bánh kẹp, bánh in, chát, lu gốm, cối xay lúa, quạt giê lúa, đôi nừng, cày bừa và những chiếc máy may cũ kết hợp làm bàn cà phê, máy điện thoại cổ…

Ngôi nhà cổ thứ hai được bài trí với những cổ vật của làng gốm Quảng Đức, một số đồ cổ bằng đồng thau mà theo chủ nhân của nó là vô giá. Đó là những chậu kiểng trồng hoa, hồ cá kiểng cho dòng gốm không tráng men. Trong số này có một chiếc chậu còn khá nguyên vẹn và khắc rõ dòng chữ “1934 Village Quang Duc”. Họa tiết tinh tế trên đất nung đã minh chứng dòng gốm nổi tiếng của Việt Nam đã được các thương nhân người Pháp sử dụng và mang sang châu Âu. Ở dòng gốm tráng men là những chiếc bình vôi với nhiều màu men khác nhau, trong đó có những màu men quý như xanh ngọc, huyết dụ; những chum, chóe, nậm rượu cũng với nhiều màu men và hoa văn đặc sắc, mỗi đồ vật là một độc bản. Anh Phạm Lê Quốc Cường giải thích về sự độc đáo của gốm Quảng Đức: Gốm Quảng Đức thoạt nhìn rất giản dị, mộc mạc, có phần xù xì, thô ráp, nhưng càng nhìn càng mê, nhất là những người “phải lòng” với thú chơi gốm cổ, đặc sắc nhất là màu men và hoa văn. Để làm nên sự độc đáo này phải kể đến nguyên liệu và cách thức nung của người xưa. Nguyên liệu để làm gốm Quảng Đức là đất sét lấy ở khu vực xã An Định. Nhiên liệu để đốt lò là củi từ gỗ bằng lăng, rất nóng, cháy đượm lâu tàn. Thai gốm (gốm thô mới nặn xong) sẽ được người thợ đưa vào bao nung, bỏ đầy vỏ sò huyết đầm Ô Loan. Sau 3 ngày 3 đêm nung bằng củi bằng lăng, quá trình “hỏa biến” vỏ sò nóng chảy bám vào bề mặt xương gốm tạo thành một lớp men và hoa văn độc đáo. “Với cách nung này, mỗi sản phẩm gốm là bản độc nhất. Cùng một mẻ, nhưng sản phẩm ở giữa lò, đầu lò, cuối lò có nhiệt lượng khác nhau sẽ tạo ra màu men khác nhau trong quá trình hỏa biến. “Gần đây, tôi sưu tầm được một số mẫu đất đáy lò, được tráng men nhiều lớp, nên rất có thể cách làm gốm Quảng Đức xưa là xối men tươi trực tiếp vào lò trong quá trình nung”, anh Cường nói.

Để tái hiện một Quảng Đức xưa qua hai ngôi nhà cổ, bộ sưu tập khá công phu về gốm Quảng Đức và các vật dụng gia đình, vợ chồng Quốc Cường - Xuân Tựu đã dành cả chục năm sưu tầm và nuôi ý tưởng. Đến Quảng Đức Xưa, du khách không chỉ được thưởng thức cà phê nguyên chất, ăn bánh ít lá gai, nhâm nhi chén trà hảo hạng, mà còn có thể thả mình vào không gian xưa đầy hoài niệm, tìm hiểu văn hóa của một vùng quê.

Dấu ấn văn hóa của một vùng đất luôn là điều thú vị đối với mỗi du khách. Lưu giữ và quảng bá nét văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất là điều mà Quảng Đức Xưa đã làm một cách công phu, sáng tạo, thuyết phục được du khách”, GS Raoul Francoi đến từ nước Pháp cảm nhận trong một lần tham quan Quảng Đức Xưa..

(Nguồn: phuyentourism.gov.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: