Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Địa danh - Di tích - Thắng cảnh
Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (29/03/2022)
Ngày 28/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Theo đó, đối tượng thực hiện là đồng bào các dân tộc thiểu số, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số; các Câu lạc bộ văn hóa, đội văn nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu của Đề án này nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; đồng thời xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022-2025 là thực hiện kiểm kê và cập nhật kiểm kê hàng năm nhằm đánh giá thực trạng và phân loại; lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; có 10% di sản thuộc loại hình này được đưa vào Danh mục quốc gia;

Các nghệ nhân về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Phấn đấu 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 30% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ thí điểm 03 mô hình Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.

Các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 01 Câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch; phấn đấu 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…

Đến giai đoạn 2025-2030, hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; có từ 15% các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Có từ 30-40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và các giá trị tiêu biểu được khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; Phấn đấu 60% thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn nghệ/Câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Phấn đấu có từ 6 mô hình bảo tồn Câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ di sản văn hóa; 90% các công chức, viên chức văn hóa, các nghệ nhân, người uy tín được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; phấn đấu từ 3 đến 4 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú…

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức khảo sát, kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; công tác bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường.

Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xây dựng hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ gắn với phát triển du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, số hóa dữ liệu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: