Về cao nguyên Vân Hòa
Tiềm năng du lịch Phú Yên
Về cao nguyên Vân Hòa (10/12/2017)
Hành trình của nhóm chúng tôi hôm ấy chỉ đơn giản là lên cao nguyên Vân Hòa, vùng 3 xã (Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định, cánh bắc huyện Sơn Hòa) theo lời mời của cô em Mắm thơm Út Mười ngắm cây đỏ vào mùa thế nào. Sau đó ghé thăm Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định, ăn bữa cơm trưa với gà kho mắm thơm, canh chua gà lá dít, cơm lúa rẫy rồi về. Tour du lịch “bỏ túi” chỉ có vậy nhưng ai cũng “cảm giác” nhiều ngày sau.

Các bạn trẻ hàng năm vào các ngày lễ, kỳ nghỉ thường tổ chức về Nhà thờ Bác - Ảnh: PYO

 

Từ TP Tuy Hòa, nhóm chúng tôi do có nhiều cháu nhỏ nên chọn phương tiện ô tô (bình thường tôi hay đi xe máy, vì cung đường chỉ hơn 40 cây số). Ra Hòa Đa ăn sáng bánh tráng thịt luộc, bánh hỏi, cháo lòng rồi theo đường bê tông, chúng tôi ngược hướng Sơn Định. Cơn mưa nhẹ đêm qua làm không khí buổi sáng mát dịu. Qua khỏi Suối Mây, Bà Ngồi thuộc xã An Thọ (huyện Tuy An), nhiệt độ chùng xuống chút nữa. Hai bên đường là những rừng keo lai chạy tít tắp, thỉnh thoảng là những vườn tiêu đang độ “thanh niên” xanh mướt, chen lẫn những mái nhà lô nhô.

Xã Sơn Xuân, cao nguyên Vân Hòa cao chừng 400m so với mực nước biển. 8 rưỡi sáng. Trời nắng nhẹ. Gió liu riu. Sương bắt đầu tan. Mát rượi. Ở những chỗ cao, trống trải, xe chúng tôi dừng lại để ngắm nhìn quang cảnh buổi sáng nơi đây. Thật tuyệt vời với những đồi núi, ruộng rẫy, xóm nhà dân chạy dài trong nhấp nhô chập chùng như lượn sóng.

Mùa đỏ chín

Vùng cao nguyên đất đỏ này nhà nào cũng có chè xanh, một món đặc sản của xứ lạnh miền núi. Ngang qua nhà bà Bảy Ướt, mỗi người chọn vài lá non nhấp nhấp, vị chát chát, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Đây cũng là cách chống “xấu bụng” khi phía trước nhà những cây đỏ thân đầy trái đang “khêu gợi” đến chảy nước miếng.

Lạ mắt đến ngỡ ngàng khi trước mặt chúng tôi là những cây đỏ chi chít trái, một màu đỏ rực rỡ. Chính xác là chi chít vì trái đơm đầy tua từ trong thân cây mọc ra từ gốc sát mặt đất đến hết thân chính và những cành chính. Nghĩa là đến mùa thu hoạch, toàn thân cây là trái ôm quanh đỏ rực. Chị Trần Thị Hạnh Nguyên, một vị khách đến từ TP Tuy Hòa cảm nhận: “Thật ngạc nhiên và thú vị khi lạc vào vườn đỏ mùa trái chín. Không khí ở vùng này mát lành dễ chịu, nơi đây khi vào mùa đỏ chín, các công ty lữ hành hoàn toàn có thể tổ chức tour du lịch sinh thái trải nghiệm vườn đỏ kết hợp với các điểm khác ở huyện Sơn Hòa tạo nên một chuyến đi thú vị”.

Bạn trẻ thích thú đến vườn đỏ chụp ảnh. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Trái đỏ tựa như trái dâu da ở miền Nam và lòn bon của xứ Quảng. Điều khác là trái tròn, to hơn, khi chín da màu đỏ rực, ăn ngọt ngọt chua chua, là loại trái cây ăn vặt “sở trường” của chị em. Bà Bảy Ướt chủ nhân của vườn đỏ cho biết: Cây đỏ mọc hoang trong rừng, khi phát rẫy, người ta thấy trái ăn được nên để lại. Đỏ ra hoa từ dưới gốc lên, vào tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch mới chín đỏ rực và chín từ trên cao xuống (nên thường ăn những quả đỏ phía trên ngọt hơn vì chín trước). Giá trị kinh tế không cao (tầm 10.000 đồng/kg), nhưng nhờ cây sai trái, nên mỗi mùa đỏ, rẫy nhà ai nhiều gốc cũng có thu nhập.

Những cây đỏ đang mùa thu hoạch làm rực lên những khu rẫy ở xứ sở mát lạnh này. Nó lạ, đẹp đến nỗi sau những bức ảnh đầu tiên chụp chung với cây đỏ được tung lên facebook đã thu hút hàng chục ngàn like (thích) và lượt chia sẻ; nhiều người dưới phố kháo nhau lên vùng 3 xã để được ngắm, chụp hình chung với cây đỏ và nhấm nháp cái vị ngọt ngọt, chua chua thanh mát dễ chịu.

Tour du lịch về nguồn, sinh thái

Thế mạnh của du lịch Phú Yên là biển, đảo và lâu nay loại hình này vẫn là ưu tiên số một trong đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với địa hình đa dạng, được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên ở khắp các vùng miền, nên mỗi địa phương đều có những lợi thế phát triển du lịch nhất định. Huyện miền núi Sơn Hòa cũng không ngoại lệ.

Huyện Sơn Hòa có hệ thống rừng nguyên sinh và các sông, suối, hồ lớn đóng vai trò quan trọng về phòng hộ, dự trữ nguồn nước, giảm tác động thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái. Sơn Hòa cũng là vùng đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng, là căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến từ năm 1962-1975. Nơi đây có Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ Bác Hồ và Khu di tích căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ. Huyện miền núi này là vùng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc; đồng thời lưu giữ các món ẩm thực phong phú, đặc trưng như: mắm thơm, mắm mít, bò một nắng hai sương, nấm khoang, lá sắn kho, rượu cần... Hiện tại, giao thông kết nối Sơn Hòa với các huyện và các tỉnh Tây Nguyên khá thuận lợi với tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 25 nối Phú Yên - Gia Lai; quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk…

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì Sơn Hòa nằm trong không gian du lịch Cao nguyên Vân Hòa và phụ cận (miền núi phía tây bắc của tỉnh) và không gian du lịch Sông Hinh và phụ cận (miền núi phía tây nam của tỉnh). “Để thúc đẩy du lịch Sơn Hòa phát triển cần phải xác định được những nét đặc trưng riêng có của Sơn Hòa, những sản phẩm bổ trợ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch của khu vực này nói riêng và của Phú Yên nói chung. Trên cơ sở tài nguyên của địa phương, Sơn Hòa rất phù hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan di tích, tìm hiểu lịch sử văn hóa, về nguồn”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên nói.

(Theo PYO)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: